0

QUẢ CẦU LÀ ĐẦU CÂU CHUYỆN - GIẢI CÂY VIẾT XUẤT SẮC NHẤT

Tác giả: Lê Thị Thu Phương - Giải nhì cuộc thi "Quả cầu là đầu câu chuyện" 
 
"Lời Hứa Giữa Lòng Sân Cầu - Cầu lông không chỉ là môn thể thao mà còn là một hành trình đong đầy tình yêu và lòng biết ơn" 

Ký ức tuổi thơ của tôi luôn gắn liền với những buổi chiều tà, khi ánh nắng vàng trải dài trên sân cầu lông của làng. Mỗi lần tan học về, tôi đều đứng từ xa, say sưa ngắm từng đường cầu bay lượn trong không gian, ngắm những cú đập dứt khoát và quyết liệt của các cô chú, đôi khi lại ước gì mình cũng được một lần đứng trên sân, với chiếc vợt chắc chắn trong tay và quả cầu trắng xinh xắn bay vút qua lưới.

Thế nhưng, mong muốn ấy lại như là ước mơ xa vời đối với tôi. Nhà tôi chẳng khá giả, bố mẹ ngày ngày làm lụng vất vả mà vẫn chẳng đủ để đáp ứng những nhu cầu cơ bản, chứ đừng nói đến sở thích hay đam mê của con cái. Đã có những lần, tôi cất giọng run run xin mẹ mua một chiếc vợt mới, hoặc đôi khi chỉ là một quả cầu nhỏ mà lòng đã chùng xuống trước đôi mắt lặng buồn của mẹ. Đằng sau những lời từ chối nhẹ nhàng, tôi biết rằng gia đình đang chật vật từng ngày, từng tháng. Từ những lần đó, tôi học cách dần từ bỏ mong ước của mình, nghĩ rằng có lẽ cầu lông sẽ mãi mãi chỉ là một mơ ước đơn giản, một niềm vui lặng lẽ chỉ có thể ngắm nhìn từ xa.

Nhưng rồi, như một sự tình cờ, vào một buổi chiều muộn, tôi gặp chú Hùng. Chú là người đàn ông trung niên có gương mặt phúc hậu, chú chỉ ngồi lặng lẽ ở ghế đá nhìn mọi người chơi cầu, thỉnh thoảng nhìn quả cầu đi lệch đường bay chú lại tỏ vẻ tiếc nuối. Sau những bàn luận chẳng đầu chẳng cuối, tôi được biết chú từng là một vận động viên cầu lông có tiếng, nhưng giờ đây tuổi tác và bệnh tật đã khiến chú không còn đủ sức thi đấu như xưa. Chú đã quyết định quay về làng để nghỉ ngơi, nhưng vẫn âm thầm dõi theo, như thể cầu lông đã là một phần máu thịt không thể nào tách rời.

Sau những buổi chiều chú cháu ngồi "ghế dự bị" đàm đạo, chú nhận ra ánh mắt say mê của tôi. Rồi một hôm chú bảo: "Nhóc con, cháu thích cầu lông không?" Tôi ngượng ngùng gật đầu. Chú cười hiền từ rồi bảo: "Vậy từ ngày mai, thử ra sân với chú. Chú không hứa sẽ dạy cháu trở thành một vận động viên xuất sắc, nhưng chú hứa sẽ giúp cháu đánh được từng cú đánh tốt nhất."
Kể từ hôm đó, tôi và chú Hùng trở thành bạn đồng hành. Mỗi sáng sớm, mỗi buổi chiều, cứ rảnh là chú cháu ra sân luyện tập, tập từ những kỹ thuật cơ bản nhất. Tối hay gọi chú là thầy, nhưng có lẽ trong sâu thẳm trái tim, tôi xem chú không chỉ là người thầy, mà còn là người cha thứ hai trong lòng tôi. Những ngày đầu, khi cánh tay tôi còn yếu ớt và vụng về, chú luôn động viên tôi kiên trì. Tôi nhớ mãi lời chú dặn: “Cháu biết không, cầu lông không chỉ là một môn thể thao, mà là nơi cháu rèn luyện để vượt qua chính mình, để học cách đối diện với khó khăn và thất bại. Đánh cầu không chỉ để thắng người khác, mà là để thắng chính bản thân mình.”

Năm đó, khi tôi đủ tự tin để tham gia cuộc thi cầu lông cấp trường, tôi đã ôm chặt cây vợt trong tay, hít một hơi thật sâu, và nhớ đến từng lời dạy của chú Hùng. Từng cú đánh như chứa đựng biết bao sự nỗ lực, bao tình cảm của một đứa trẻ không có gì ngoài ước mơ, và tình thương từ một người thầy. Trận đấu diễn ra căng thẳng, nhưng trong đầu tôi chỉ có hình ảnh của chú, của những buổi sáng bình minh trên sân cùng lời nhắn nhủ: “Đừng sợ thất bại, chỉ cần con cố gắng hết sức mình là đủ.”

Cuối cùng, tôi đã đứng trên bục trao giải với chiếc huy chương vàng. Giây phút ấy, đôi mắt tôi đã rưng rưng khi tìm thấy bóng dáng của chú Hùng ở hàng ghế cuối cùng. Cái gật đầu và nụ cười hiền hậu của chú, như một lời chúc mừng thầm lặng, nhưng lại ý nghĩa vô cùng.

Giờ đây, khi nhớ đến những lời dạy của chú, nhớ đến hình ảnh người thầy già nua, mỉm cười hài lòng khi thấy tôi thành công. Thì tôi biết rằng: cầu lông không chỉ là môn thể thao mà còn là một hành trình đong đầy tình yêu và lòng biết ơn. Đó là lời hứa của tôi với chú, với người thầy đáng kính đã tin tưởng và luôn đồng hành cùng tôi.